SINH LÝ MÁU (PHẦN 3)
Bạn có thể xem lại phần 2 ở đây
6. Kháng nguyên hồng cầu và
xác định nhóm máu
Có một số phân tử trên bề
mặt của tất cả các tế bào trong cơ thể có thể được tiếp nhận như là ngoại lai bởi
hệ thống miễn dịch của một cơ thể khác. Các phân tử này được gọi là kháng
nguyên (antigen). Là một phần của
đáp ứng miễn dịch, các lympho bào tiết ra một nhóm các proteins được gọi là các
kháng thể (antibody) liên kết một
cách đặc hiệu với các kháng nguyên. Tính đặc hiệu của kháng thể đối với kháng nguyên
là tương tự với tính đặc hiệu enzyme với cơ chất, và các proteins thụ thể với
các chất dẫn truyền thần kinh hay hormone.
Hệ thống ABO
Việc phân tích các kháng
nguyên trên các tế bào khác nhau khác nhiều so với các
kháng nguyên trên bề mặt
hồng cầu. Tuy nhiên, các kháng nguyên hồng cầu là đặc biệt quan trọng trong lâm
sàng vì kiểu của nó phải phù hợp giữa người cho và người nhận trong quá trình
truyền máu. Có một vài nhóm kháng nguyên hồng cầu, nhưng nhóm chính được biết đến
là ABO (ABO system). Theo quy ước
các kháng nguyên trên bề mặt các hồng cầu, một người có thể là nhóm máu A (chỉ
có kháng nguyên A), nhóm máu B (kháng nguyên B), nhóm máu AB (có cả kháng
nguyên A, B) và nhóm máu O (không có kháng nguyên A, B). Nhóm máu của mỗi người
– A, B, AB, O – có nghĩa là kháng nguyên trên bề mặt tế bào hồng cầu, là các sản
phẩm của các genes (định vị trên nhiễm sắc thể số 9) mã hóa cho các kháng
nguyên này.
Mỗi người thừa hưởng hai
genes kiểm soát việc sản sinh ra kháng nguyên ABO. Các genes cho kháng nguyên A
hay B là trội so với gene cho O. Gene O là lặn, đơn giản bởi vì nó không mã hóa
cho cả hai loại kháng nguyên A, B. Các genes cho A, B thường được ký hiệu là IA,
IB và gene lặn cho O được thể hiện là chữ "i" thường. Một người nhóm
máu A có kiểu gene IAIA hoặc IAi. Người có
nhóm máu B có kiểu gen IBIB hoặc IBi. Người có
nhóm máu O có kiểu gen ii. Không có quan hệ trội lặn giữa A và B.
Hệ thống miễn dịch thể hiện
sự dung nạp với các kháng nguyên bề mặt hồng cầu của chính nó. Người có nhóm
máu A không tạo ra kháng thể kháng kháng nguyên A (gọi tắt là kháng thể kháng
A), nhưng lại tạo ra kháng thể kháng B. Người ta tin rằng điều này được tạo ra
từ thực tế là các kháng thể được sản xuất để đáp ứng lại một số vi khuẩn thông
thường phản ứng chéo với các kháng nguyên A, B. Vì thế người có nhóm máu A có
các kháng thể có thể phản ứng với kháng nguyên B bằng cách tiếp xúc với các vi
khuẩn này, nhưng họ không phát triển các kháng thể có thể phản ứng với kháng
nguyên A vì các cơ chế dung nạp ngăn cản điều này.
Người nhóm máu AB phát triển dung nạp với cả hai kháng nguyên này, và vì
thế không sản xuất các kháng nguyên kháng A hay kháng B. Còn người nhóm máu O
không dung nạp cả hai kháng nguyên, vì thế họ có cả hai kháng thể kháng A và
kháng B trong huyết tương.
Phản ứng truyền máu
Trước khi
quá trình truyền máu được thực hiện, một thử nghiệm quan trọng (major crossmatch) được tiến hành bằng
cách trộn huyết thanh từ người nhận với máu của người cho. Nếu các nhóm máu
không phù hợp – ví dụ người cho là A còn người nhận là B – kháng thể của người
nhận bám vào các tế bào hồng cầu của người cho và hình thành các cầu khiến cho
các tế bào này ngưng kết (agglutinate).
Vì phản ứng ngưng kết này, đôi khi A và B được gọi là kháng nguyên gây ngưng kết
(agglutinogens), và các kháng thể của
chúng là chất gây ngưng kết (agglutinins).
Các lỗi truyền máu tạo ra sự kết dính này có thể gây ra tắc nghẽn các mạch máu
nhỏ và gây tan huyết (hemolysis), điều
này có thể phá hủy thận và các cơ quan khác.
Trong cấp cứu,
nhóm máu O được cho những ai có nhóm máu A, B, AB, O. Vì các tế bào hồng cầu
nhóm O thiếu kháng nguyên A, B, kháng thể của người nhận không thể gây kết dính
hồng cầu người cho. Vì thế nhóm máu O là nhóm máu chuyên cho (universal donor) – nhưng chỉ khi khối lượng
huyết tương được hiến là nhỏ, vì huyết tương của người nhóm máu O có thể kết
dính với tế bào hồng cầu các nhóm A, B, AB. Ngược lại, nhóm máu AB được gọi là
nhóm máu chuyên nhận (universal recipients) vì nó thiếu kháng thể kháng A và
kháng B, và vì thế không thể kết dính hồng cầu cho. (Huyết tương cho có thể kết
dính các tế bào hồng cầu nếu như thể tích truyền là quá lớn).
Yếu tố Rh
Một nhóm kháng nguyên khác được tìm
thấy trong các tế bào hồng cầu của hầu hết mọi người là yếu tố Rh (Rh factor) (đặt tên theo loài khỉ
Rhesus, kháng nguyên từ nó được khám phá lần đầu tiên). Có một số lượng các
kháng nguyên khác nhau trong nhóm này, nhưng một kháng nguyên nổi bật do ý
nghĩa y học của nó. Kháng nguyên Rh này được đặt là D, thường được ký hiệu là
Rho(D). nếu Rh này có mặt trong hồng cầu của một người, người này là Rh dương;
nếu không, người này là Rh âm. Trường hợp Rh dương phổ biến hơn rất nhiều (ví dụ
chiếm 85% dân số người da trắng).
Nhân tố Rh có ý nghĩa đặc biệt khi
người mẹ Rh – sinh ra đứa con Rh+. Máu của thai nhi và
máu của mẹ thường được giữ tách biệt nhau thông qua nhau thai, và vì thế mẹ Rh –
thường không tiếp xúc với kháng nguyên Rh của thai nhi trong quá trình
mang thai. Tuy nhiên, tại thời điểm sinh, có nhiều khả nằn của sự tiếp xúc có
thể diễn ra, và hệ miễn dịch của người mẹ có thể trở nên cảm ứng và sản xuất
kháng thể kháng Rh. Tuy thế, điều này không phải luôn xảy ra, vì sự tiếp xúc có
thể được hạn chế và vì những người mẹ Rh – khác nhau về tính cảm thụ đối với Rh. Nếu người
phụ nữ sản xuất ra kháng thể kháng Rh, các kháng thể này có thể đi qua nhau
thai của những lần mang thai sau và gây tan máu của thai nhi có hồng cầu Rh+.
Vì thế, trẻ sơ sinh có thể bị thiếu máu trong một trường hợp gọi là chứng
nguyên hồng cầu huyết sơ sinh (erythroblastosis fetalis), hay bệnh tan máu trẻ sơ sinh (hemolytic disease of the newborn).
Chứng nguyên hồng cầu huyết sơ sinh
có thể được ngăn cản bằng cách tiêm cho người mẹ Rh – một chế phẩm
kháng thể chống lại yếu tố Rh (tên thương mại là RhoGAM) trong vòng 72 giờ đầu
sau khi sinh mỗi em bé Rh+. Đây gọi là tạo kháng thể bị động theo đó
kháng thể được tiêm bất hoạt kháng nguyên Rh và vì thế ngăn cản người mẹ trở
nên cảm thụ một cách tích cực với Rh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét